Phú Quốc - "Đất Gian Nan - Đất Giàu Có"

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam  (tổng diện tích 589,23 km²), cùng với 22 đảo của quần đảo tạo thành huyện đảo Phú Quốc, trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của Đảo Ngọc.

 Cảnh đẹp Phú Quốc. Ảnh Internet
Nói tới Phú Quốc là phải nói tới đặc sản hồ tiêu. Hồ tiêu là một loại cây dây leo, thân dài, nhẵn, bám vào các cây khác bằng rễ phụ, mang lá mọc cách. Lá tương tự như lá trầu không, nhưng dài và thuôn hơn. Cây hồ tiêu có hai loại nhánh: nhánh dinh dưỡng và nhánh quả. Quả tiêu hình cầu nhỏ, chừng 20-30 quả mỗi một chùm, lúc đầu có màu xanh lục, sau có màu vàng, khi chín có màu đỏ. Quả có một hạt duy nhất. 
 
 Tiêu Phú Quốc. Ảnh: internet
 
Khi quả chín, rụng cả chùm. Có thể chế biến thành hạt tiêu trắng, hạt tiêu đỏ, hạt tiêu xanh và hạt tiêu đen. Hạt tiêu được thu hoạch mỗi năm một lần. Muốn có hạt tiêu đen, người ta hái quả vào lúc xuất hiện một số quả đỏ hay vàng trên chùm, nghĩa là lúc quả còn xanh. Muốn có hạt tiêu trắng (hạt tiêu sọ) phải hái quả lúc đã thật chín, sát bỏ vỏ thịt. Loại này có màu trắng ngà hay xám, ít thơm hơn (vì lớp vỏ chứa tinh dầu đã mất) nhưng cay hơn (vì quả đã chín). Cùng với hai sản phẩm tiêu sọ và tiêu đen, tuy hiếm hơn, còn có hạt tiêu đỏ, là loại hạt tiêu chín cây hoặc được thu hái khi rất già, ủ chín sau đó được chế biến theo cách thức đặc biệt để giữ màu đỏ của vỏ. Giá trị xuất khẩu của tiêu đỏ sau khi chế biến cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với hạt tiêu đen. Ở Phú Quốc, cây hồ tiêu được trồng tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. 
 
Hạt tiêu đã rang chín, thơm, cay nồng được dùng làm gia vị. Quả tiêu xanh có thể dùng kho cá hoặc ăn sống trong bữa. Tiêu có tác dụng  kích thích tiêu hoá, chữa một số bệnh do hạt tiêu rất giàu chất chống oxy hóa ( beta carotene…), giúp tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa sự hủy hoại các tế bào gây ra các căn bệnh ung thư và tim mạch. Trong các vùng trồng hồ tiêu: Cùa (Quảng Trị), Nghĩa Đàn (Nghệ An), Chư Sê (Gia Lai), Xuân Lộc (Đồng Nai), Lộc Ninh (Bình Phước) … thì hạt tiêu Phú Quốc vẫn cao giá nhất, nổi tiếng nhất.
 
Đặc sản thứ hai là giống chó Phú Quốc với những đặc điểm rất riêng biệt so với các giống chó trong đất liền. Chó Phú Quốc đầu nhỏ, cổ, mõm và tai dài, có những chấm trên lưỡi, bốn chân dài, dáng thon, có một bờm lông dựng đứng và xoáy trên lưng, chạy từ vai đến xương hông, rất khỏe mạnh, có khả năng bơi lội giỏi. Quân đội nhà Nguyễn đã dùng chó Phú Quốc làm quân khuyển. Chó Phú Quốc thuần chủng có bốn màu cơ bản: đốm, đen, vàng và vện (sọc). Chó Phú Quốc là giống chó rất trung thành và rất thông minh, chúng tuân thủ mệnh lệnh một cách chính xác mà không tốn nhiều công huấn luyện.
 
 Chó Phú Quốc được mệnh danh là chó lửa rất tinh khôn. Ảnh: internet
 
Một điểm khá đặ̣c biệt là chó Phú Quốc không ăn những thức ăn do người khác làm hoặc không phải của chủ nó cho ăn nên rất khó bị đánh bả thuốc độc. Chó Phú Quốc được coi là “vương khuyển” vì trong lịch sử đã từng có 4 con chó Phú Quốc được vua Gia Long sắc phong một cách trang trọng, không kém những công thần khai quốc của nhà Nguyễn. Bốn con chó Phú Quốc (2 đực, 2 cái) được Nguyễn Ánh nuôi và đã theo ông suốt những năm bôn tẩu. Trong sách “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ”, cuốn sách ghi chép và lý giải tất cả những chuyện liên quan đến hoàng tộc, đã ghi rõ về 4 con chó này, không những về chiến công mà còn mô tả kỹ càng về đặc tính của chó Phú Quốc. Các chú chó Phú Quốc này đã cứu nguy cho Nguyễn Ánh 2 lần thoát chết. Sau khi lên ngôi, khi bình công phong thưởng cho tướng sĩ, vua Gia Long đã không quên sắc phong cho 4 con chó Phú Quốc danh hiệu: “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”. Khi qua đời, 4 vương khuyển đã được an táng và lập miếu thờ trọng thể.
 
 Quy trình ủ nước mắm tại Phú Quốc. Ảnh: Phuquocbiz
 
Đặc sản thứ 3 là nước mắm Phú Quốc. Bất cứ loại cá nào cũng có thể sử dụng để làm nước mắm, nhưng người Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm làm nguyên liệu. Mùa đánh bắt chủ yếu trong năm là từ tháng 7 đến tháng 12. Cá cơm có khoảng chục loại, nhưng chỉ có Sọc Tiêu, Cơm Ðỏ và Cơm Than là cho chất lượng nước mắm cao nhất. Để làm nước mắm, cá cơm được trộn tươi trên tàu. Khi lưới cá vừa cặp mạn thuyền, cá sẽ được vớt lên bằng vợt, loại bỏ tạp chất và rửa bằng nước biển, sau đó trộn đảo ngay với muối theo tỷ lệ 3 cá 1 muối rồi đưa xuống hầm tàu (chượp). Cách trộn cá tươi như vậy giữ cho thịt cá không bị phân huỷ, nước mắm có hàm lượng đạm cao nhất, không có mùi hôi. Cá cơm Phú Quốc thường được ướp với muối Bà Rịa – Vũng Tàu là loại muối có hàm lượng tạp chất thấp. Muối cũng phải được lưu kho ít nhất là 3 tháng để các tạp chất gốc Can-xi và Ma-giê (tạo ra vị chát) lắng xuống dưới và sẽ được bỏ đi. Chượp được đưa vào ủ trong những thùng lớn đóng bằng gỗ bời lời. 
 
Quy trình ủ chượp tiêu chuẩn ở Phú Quốc là 12 tháng, cá biệt tới 15 tháng. Sau thời gian này, nước mắm mới được rút: Nước mắm cốt có độ đạm trên 300, tiếp đến là nước mắm long có độ đạm trên 200. Sau khi đã kéo rút kiệt đạm trong chượp, các loại nước mắm mới được đấu trộn lại để có độ đạm mong đợi. Nước mắm Phú Quốc có màu “cánh gián’ đặc trưng, hoàn toàn tự nhiên là nhờ cách ướp cá tươi còn máu trong thân cá và thời gian ủ trong thùng gỗ tới 12 tháng. Phải là những sản phẩm nước mắm được sản xuất và đóng chai tại Phú Quốc mới được gọi là “nước mắm Phú Quốc”. Doanh nghiệp sản xuất nước mắm và đóng chai tại Phú Quốc nhưng chưa đăng ký quyền được phân phối (đăng ký chỉ dẫn địa lý) cũng chỉ được ghi dòng chữ nhỏ ở phần ghi địa chỉ là “sản xuất tại Phú Quốc”.
 
Theo dòng lịch sử
Trong lịch sử xa xưa, Phú Quốc đã từng là vùng đất trù phú. Các nhà khảo cổ cho rằng, khoảng thế kỷ thứ  I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên, Phú Quốc nằm trong vương quốc Phù Nam. Vương quốc Phù Nam khi đó bao gồm cả miền Nam Việt Nam, một phần của Chiêm Thành, của Lào, Thái Lan và bán đảo Malacca của Malasia ngày nay (Lúc này thì Thái Lan, Ai Lao, Chân Lạp, Chiêm Thành còn chưa lập quốc). Vào thế kỷ thứ VII, sau một cơn đại địa chấn, vương quốc Phù Nam tiêu vong. 
 
Cả dải đất ngày nay là Nam bộ Việt Nam trở thành hoang vắng, nước mặn ngập mênh mông. Hơn 300 năm trước, những người dân lưu tán, những binh lính giải ngũ, những người bất khuất trước triều đình phong kiến đã đến khai hoang phá thạch ở vùng đất Tây Nam bộ đầy cọp beo, trăn sấu dữ tợn. Khoảng thời gian này, Phú Quốc cũng được “tái khai khẩn”. Cư dân Phú Quốc chấp nhận sự quản lý của chính quyền phong kiếnViệt Nam theo chỉ dụ sát nhập đảo Phú Quốc vào Đạo Long Xuyên của vua Lê vào thế kỷ thứ XVIII. Cũng như đất nước Việt Nam đầy biến động trong đấu tranh, Phú Quốc cũng là vùng đất ghi lại những dấu tích lịch sử oai hùng. 
 
Dưới thời Tây Sơn, Nguyễn Huệ đã xây dựng Phú Quốc thành một cứ điểm chiến lược của thủy quân và đã giao cho Đông Định vương Nguyễn Lữ (em thứ  3 trong Tây Sơn tam kiệt) và tướng Trương Văn Đa trấn giữ. Phú Quốc cũng là nơi nhiều phen Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long nhà Nguyễn) trú thân khi trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Phú Quốc cũng là chiến trường cuối cùng của thủ lĩnh nghĩa quân chống Pháp Nguyễn Trung Trực (tên thật là Nguyễn Văn Lịch), quê ở Tân An (Long An ngày nay), giữ chức Thủ úy Hà Tiên. Năm 1867, ông phản đối thái độ ươn hèn của vua quan nhà Nguyễn khi thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam bộ nên không nhận chức lãnh binh của triều đình. Nguyễn Trung Trực chiêu quân khởi nghĩa tại Rạch Giá. Chiến công đánh chìm tàu chiến Pháp L’Esperance tại sông Nhật Tảo của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã làm phấn khích tinh thần chống pháp của nhân dân Nam bộ.
 
      Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa /  Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.
(Sông Nhật Tảo lửa hồng rực cháy, tiếng vang trời đất /  Đồn Kiên Giang lưỡi kiếm  tuốt ra, quỷ thần sợ khóc) "Nguyễn Trung Trực"
 
Rạch Giá bị chiếm, Nguyễn Trung Trực rút quân ra Phú Quốc. Tháng 9/1868, Pháp kéo quân vây đảo. Trận chiến giằng co nhiều ngày tháng. Sau, Pháp dùng hai tên tay sai là Tổng đốc Trần Bá Lộc và Lãnh binh Huỳnh Công Tấn (kẻ đã phản bội và dẫn quân Pháp giết hại Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Công Định), chúng đã dùng thủ đoạn đê tiện là bắt giết thân nhân của nghĩa quân để buộc Nguyễn Trung Trực phải ra mặt để cứu sống những người bị bắt làm con tin. Nguyễn Trung Trực sa vào tay giặc và bị hành hình tại Rạch Giá nhưng câu nói bất hủ của ông trong ngày đó: “Bao giờ nước Nam hết cỏ thì mới hết người đánh Tây” vẫn sống mãi tới muôn đời. Từ đó tới suốt mấy chục năm chống Pháp, chống Mỹ, Phú Quốc luôn có cơ sở cách mạng, luôn là căn cứ cách mạng. 
 
Di tích cách mạng lớn nhất tại Phú Quốc là Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam do chính quyền Mỹ ngụy xây dựng. Trên vùng đất mà năm 1953 Thực dân Pháp đã lập “Căng Cây Dừa”, năm 1967, chính quyền Sài Gòn xây dựng Trại giam Tù Binh Cộng Sản Việt Nam. 
 
Trại giam Phú Quốc - Ảnh: Toptravels.vn
 
Đây là trại giam lớn nhất của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam, giam giữ gần 40.000 tù binh, trong đó có 4.000 người đã hy sinh tại đây. Trại giam có tất cả  12 khu,  mỗi khu lại được chia thành 4 phân khu A,B,C,D. Mỗi khu trại giam chứa khoảng 3.000 tù nhân. Một phân khu chứa khoảng  950 tù nhân. Phân khu B2 được dành riêng để giam giữ các tù binh sỹ quan. Gần khu giam số 12 là một nghĩa địa rộng tới sát bìa rừng. Anh em tù binh gọi đùa đây là “khu13”, nơi giam giữ trên 3.000 hài cốt của anh em tù binh đã hy sinh. 
 
Trại giam do 3 tiểu đoàn quân cảnh canh giữ. Bao quanh mỗi khu nhà lao là tầng tầng lớp lớp hàng rào kẽm gai từ 10 đến 15 lớp ken dày, mắc dày đặc bóng đèn điện. Bên cạnh bộ máy cai ngục, lúc cao nhất tới bốn tiểu đoàn lính gác trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện cơ động, canh giữ, tuần tiễu ngày đêm. Vùng tây bắc và đông bắc giáp với rừng là các chốt của các đại đội lính bảo an. Phía tây và tây nam là sân bay dã chiến, trận địa pháo, đài ra-đa. Xen giữa các chốt lính là các bãi mìn và đầm lầy không thể vượt qua. 
 
 Mô phỏng phục dựng khu tường rào nhà tù Phú Quốc
 
Ngoài biển có một hải đoàn hải quân tuần tiễu vòng ngoài…Với sự bố phòng như vậy, tên sĩ quan điều hành trại giam luôn huênh hoang: “ Ở đây, trên trời, dưới nước, chung quanh là rừng núi. Chỉ có quân cảnh hùng hậu vũ khí súng đạn và các anh, đám tù binh phiến loạn tay không. Nếu các anh có vượt nổi súng đạn và rào kẽm gai thì chỉ có thể làm mồi cho thú dữ và cá biển. Các anh đừng hòng đào thoát. Tôi thách các anh đào thoát”. Bằng ý chí, nghị lực, bằng quyết tâm sắt đá, chấp nhận hy sinh các tù binh cách mạng Phú Quốc đã khai thác triệt để những yếu tố bất ngờ để tiến hành các cuộc vượt ngục, tiếp tục chiến đấu. 
 
Cuộc vượt ngục đầu tiên bằng đường hầm với 21 người diễn ra đầu năm 1969 đã thành công sau nhiều ngày tháng đào hầm trong muôn vàn khó khăn: Phải được tổ chức chu đáo, chặt chẽ, bí mật và kỷ luật sắt vì trong trại giam chỉ cần một người dao động, lừng chừng làm bại lộ thì máu sẽ đổ. Phải che mắt được bọn quân cảnh, bọn trật tự, chiêu hồi theo giặc khi bị chúng theo dõi, điểm danh bất ngờ. Phải che dấu được nơi đào miệng hầm và tiêu tán được lượng đất đào ra từ hàng trăm mét đường hầm. Phải xác định được hướng đào hầm, hướng thoát ra và phải có kế hoạch sống, chiến đấu sau khi thoát được lên rừng … 
 
Hai mươi mốt tù binh vượt ngục thành công đó đã trở thành nòng cốt của lực lượng quân sự huyện đội Phú Quốc (gồm 2 trung đội đặc công và một đại đội bộ đội địa phương). Ngoài việc đào hầm, còn nhiều cách vượt ngục khác nữa: Bám dưới gầm xe chở nước vào trại để thoát ra ngoài. Nằm trong thùng chứa rác để anh em khác kênh ra bãi rác đổ rồi chờ đêm xuống trốn đi. Mặc quần áo quân cảnh ngụy thản nhiên đi ra khỏi cổng trại giam. Dùng kỹ thuật đặc công bẻ rào kẽm gai vượt ngục. Đánh quân cảnh áp giải để chạy thoát vào rừng … 
 
Có cuộc vượt ngục thành công, có cuộc không thành công nhưng tất cả các cuộc vượt ngục đó đã thể hiện ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ. Từ tháng 7/1967 đến tháng 4/1972, các chiến sĩ ta đã tổ chức 42 lần vượt ngục tù Phú Quốc, khoảng 400 chiến sĩ cộng sản đã đào thoát khỏi “địa ngục trần gian” này nhưng chỉ có 239 người về được tới căn cứ cách mạng. Số còn lại, nhiều chiến sĩ đã hy sinh, một số bị địch truy đuổi bắt lại… Bị địch giam cầm, tra tấn thì ai cũng muốn tự do nhưng tất cả phải theo sự chỉ huy của tổ chức Đảng trong nhà tù (Đảng bộ của từng phân khu và chi bộ đảng của từng phòng giam). 
 
Những người được phân công vượt ngục đều là những người có khả năng tổ chức, chỉ huy chiến đấu và là những người kiên trung. Tuy sống trong tù, lại là người của nhiều địa phương, nhiều đơn vị khác nhau, bị địch bắt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng các chiến sĩ trong tù luôn được sống trong một tổ chức Đảng chặt chẽ, bí mật và kỷ luật nghiêm khắc. Sinh hoạt chính trị được tổ chức  dưới nhiều hình thức (Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng, Đoàn thanh niên lao động, hội đồng hương) để giúp đỡ, dìu dắt nhau trong đấu tranh, giữ vững chí khí, học tập, sinh hoạt trong tù ngục. Dù phải chịu muôn ngàn đau đớn vì bị quân cảnh ngụy tra trấn bằng những hình thức dã man, tàn bạo như thời Trung cổ (phơi nắng trong chuồng cọp, trong thùng sắt coner, nhấn nước, đóng đinh, đập nhổ răng, luộc trong chảo nước sôi …) nhưng quân địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bùng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân.
 
Trong lần về lại Phú Quốc, anh em định bố trí cho tôi gặp lại tên Thượng sĩ nhất Trần Nhiết Nhu (Bảy Nhu) là tên cai tù khét tiếng nhất trong đám quân cảnh Phú Quốc vì có những ngón đòn ác độc khi tra tấn tù binh. Tôi nói: “ Tội ác của chúng thì không bao giờ quên. Nhưng hận thù nên cởi, không nên buộc. Hãy để hắn sám hối tội lỗi”. Như vậy, thấy lòng thanh thản và các đồng đội của tôi, những người đã hy sinh và những người còn sống chắc cũng đều nghĩ như vậy, cũng đồng ý như vậy. Vì suy cho cùng thì mục đích của cuộc kháng chiến chống Mỹ là thống nhất đất nước, hòa giải và hòa hợp dân tộc. 
 
Phục dựng cảnh điểm danh tù binh nhà tù Phú Quốc
 
Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc ngày nay được phục dựng một phần nhỏ, nằm trên khu vực nhà lao cũ, bao gồm các công trình như tượng đài hình nắm tay – biểu tượng cho tinh thần hiên ngang vùng lên phá xiềng của tù binh Phú Quốc, nghĩa trang liệt sĩ, nhà trưng bày hiện vật và khu trưng bày ngoài trời với nhiều mô hình, hiện vật, chứng tích mô phỏng cảnh bọn cai tù tra tấn dã man các tù binh cộng sản, cảnh tù binh kiên cường, anh dũng đấu tranh với bọn cai ngục để bảo vệ khí tiết cách mạng.
 
Phú Quốc bây giờ không còn là hòn đảo hoang vu vì cách trở về địa lý như xưa nữa. Phú Quốc đã trở thành đặc khu du lịch của cả nước: Hoang sơ cho du lịch khám phá, thanh bình cho du lịch nghỉ dưỡng. Những bãi biển tuyệt đẹp, những suối nước kỳ thú và những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn … trở thành lợi thế để hôm nay Phú Quốc trở thành mảnh đất giàu có. Phú Quốc với nhiều điểm du lịch nổi tiếng về cảnh đẹp:  Mũi Gành Dầu ở Tây Bắc đảo. Suối Tranh nằm trên dãy Hàm Ninh, phía Đông Bắc đảo đặc biệt đẹp vào mùa mưa tháng 6 tới tháng 9 hàng năm. Đó là suối Đá Bàn (ở phía Bắc đảo) với những tảng đá lớn, bằng phẳng như mặt bàn, tầng tầng lớp lớp uốn lượn đổ về thượng nguồn suối. 
 
Cảnh đẹp bờ biển Phú Quốc - Ảnh: Internet
 
Đó là Bãi Sao, Bãi Khem (phía Nam đảo) là những bãi tắm tuyệt đẹp với cát trắng và nước biển trong veo tận đáy. Đặc biệt là Bãi Dài (Tây Bắc đảo) là một trong 10 bãi biển hoang sơ và đẹp nhất thế giới. Nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, đảo Móng Tay mang một vẻ đẹp lãng mạn với các bờ biển trong xanh như ngọc và bãi cát trắng tinh dưới những hàng dừa râm mát, xứng đáng là một thiên đường của biển…
 
Ngày 10/4/2016, Phú Quốc là điểm khởi đầu cho festival Năm du lịch quốc gia 2016:  “Du lịch Phú Quốc và đồng bằng sông Cửu Long ” (Visit Vietnam Year 2016 – Phu Quoc – Mekong Delta) với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”. Giờ đây, từ nơi là “địa ngục trần gian” đối với tù binh cách mạng, Phú Quốc đang trở thành một “Thiên đường trần gian” cho tất cả mọi người.
Lê Nguyên Hợp
Theo Petronews.vn
Chia sẻ:

Bài viết cùng danh mục:

Viết Bình luận