Bộ ảnh "Nhà thùng nước mắm Phú Quốc" của Tâm Bùi
Tin Tức Phú Quốc - Lên thuyền đánh cá từ nửa đêm để quan sát từ đầu đến cuối cảnh đánh bắt cá xa khơi của ngư dân Đảo Ngọc. Choáng ngợp với vẻ đẹp mênh mông, kì diệu của biển cả khi hửng nắng bình minh. Cảnh đẹp Du lịch Phú Quốc như tranh…
Trên thuyền, Tâm và ekip không quen đi biển xa khơi, còn ngai ngái cảm giác say sóng nên ngồi mơ màng, có người còn ngủ thiếp đi. Các ngư dân trên thuyền vẫn miệt mài làm việc. Tới khi nghe thấy những tiếng cười giòn tan, những tiếng hô vang thì ekip mới tỉnh táo hẳn, vội vàng ghi lại những khoảnh khắc kéo lưới.
Kéo mẻ cá nặng trĩu lên thuyền, các anh các chú mặt ai cũng tươi phơi phới, bao công sức bỏ ra giờ đã thu được thành quả. Mùi mặn nồng của biển, mùi cá tươi trong lưới hòa cùng tiếng nói cười rộn ràng. Nhìn cũng thấy vui lây!
Mẻ cá đầu ngày tươi rói, lấp lánh ánh bạc, còn búng tanh tách trên mạn thuyền. Theo các chú ngư dân, không phải cá nào cũng dùng làm nước mắm được, mà phải là cá cơm, đặc biệt là cá cơm Sọc Tiêu, hoặc Cơm Đỏ, Cơm Than thì nước mắm mới chất lượng.
Sau khi được chọn lọc, cá cơm được ướp muối ngay trên thuyền theo tỉ lệ 3 cá 1 muối bằng loại muối tinh. Đây là điểm khác biệt giữa nước mắm Phú quốc với các vùng khác nè. Ướp ngay trên thuyền sẽ giữ cá được tươi nên khi làm nước mắm sẽ có mùi thơm quyến rũ chứ không bị quá nồng.
Khi trời sáng rõ, cũng là lúc biển cả rộn ràng âm thanh xôn xao của đoàn thuyền đánh cá. Tiếng thuyền rẽ sóng, tiếng cười hào sảng, tiếng gọi í ới… hòa lẫn vào nhau..
Cá đã ướp muối khi về đến cảng tàu sẽ được các chuyên gia làm nước mắm kiểm định kỹ, về cả độ tươi và độ lẫn tạp chất. Sau khi qua được “vòng loại” này, cá mới được đem thẳng đến nhà thùng nước mắm để ủ chượp.
Để ghi lại được tường tận cảnh làm nước mắm, Tâm và ekip tiếp tục “bám càng” đội bốc vác, đến với nhà thùng nước mắm Nam Ngư. Đây là một trong những nhà thùng nước mắm lớn nhất Phú Quốc. Thật sự choáng ngợp với sự hoành tráng và vẻ đẹp rất “mộc” của các dãy thùng ủ chượp cá khổng lồ nằm san sát cạnh nhau.
Lân la hỏi chuyện các anh mới biết một trong những bí quyết của nghề làm nước mắm xứ đảo nằm ở chính những chiếc thùng gỗ này đây. Thùng ủ chượp nước mắm thường được làm từ gỗ bời lời, loại gỗ đặc trưng của rừng nguyên sinh Phú Quốc, góp phần tạo nên mùi nước mắm thơm nồng nàn và màu cánh gián sóng sánh đặc trưng.
Thùng được đóng và bện rất đẹp mắt và chắc chắn. Với những người đi theo nghề làm nước mắm, chiếc thùng này là tài sản quý giá và có thể sử dụng được tới cả trăm năm. Thú vị chưa?
Cá sau khi đổ vào thùng gỗ sẽ được đậy kín và ủ chượp suốt 9 -12 tháng cho tới khi đủ độ “chín”. Trong suốt khoảng thời gian này, các chuyên gia làm nước mắm sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo hương vị nước mắm cá cơm đạt chuẩn.
Trong hình là anh Nhích - chuyên gia làm nước mắm kỳ cựu của Nam Ngư, chính là người đã truyền cảm hứng cho Tâm thực hiện bộ ảnh này. Anh đang thực hiện công việc hàng ngày, kiểm tra hương vị nước mắm trong mỗi thùng và tỉ mỉ ghi chép lại để theo dõi. Hỏi anh Nhích gắn bó với nghề lâu chưa, anh chỉ cười hiền nói: Cũng chưa lâu, mới có… 20 năm thôi.
Tâm được anh Nhích ưu ái cho nếm thử vị nước mắm đã đạt yêu cầu. Nước mắm khi đến độ “chín” sẽ có màu cánh gián trong suốt, vị đậm đà mà ngọt hậu, mùi hương thơm lừng mà không nồng gắt. Đang chụp chỉ muốn có ngay chén cơm trắng với một đĩa thịt luộc! ^^
Nét đẹp bên trong nhà thùng nước mắm. Mọi người cứ cần mẫn tập trung làm việc, mình cũng lặng lẽ ghi lại những khoảnh khắc này. Không gian nồng đượm mùi hương nước mắm vừa chín tới, mặn mòi vị biển cả…
Hoàng hôn xuống. Lúc này, tại cảng An Thới vẫn tấp nập tàu chở cá cập bến. Tất cả lại sẵn sàng cho mẻ nước mắm mới…Dưới cảnh hoàng hôn đẹp lung linh, mọi người ai làm việc nấy thật cần mẫn, chăm chú. Con người và đất trời như dung hòa với nhau, bình yên lạ. Đến Phú Quốc nhiều lần rồi, nhưng đây là chuyến đi để lại cho Tâm nhiều cảm xúc nhất về cảnh đẹp và người dân xứ đảo.
Nguồn Tâm Bùi
Bài viết cùng danh mục:
- 0 Bình luận